Trường Trung học Phổ thông
Huỳnh Thúc Kháng

Tiểu sử cụ Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ, học giả, thuở nhỏ cụ có tên là Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên. Cụ quê ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Huỳnh Thúc Kháng 8 tuổi đi học, 13 tuổi đã văn hay chữ tốt, 16 tuổi đi thi Hương, nổi tiếng ở Kinh đô Huế, sánh cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, được xếp vào hạng Tam hùng, năm 29 tuổi (1904) cụ đỗ Tiến sĩ, được nhân dân sở tại gọi là Ngũ hổ. Cụ là một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp đày ra Côn Lôn đến năm 46 tuổi (1921) mới được phóng thích. Năm Bính Dần (1926), cụ đắc cử Dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động ở Viện, cụ cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi chống lại viên Khâm sứ Pháp Jabouille. Cụ từ chức và sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế (1927-1943). Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đến năm 1946, khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Thời gian này cụ còn là chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân. Cuối năm 1946, cụ là đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến hành chính nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi Cụ Huỳnh Thúc Kháng lâm bịnh nặng và qua đời ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi. Làm theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã đưa cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – “Thiên Ấn niên hà” Trong khi tiến hành lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Ban tổ chức lễ tang đã trang trọng uy nghiêm đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ Quốc. Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước, vì nhà của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”. Với nhiều công lao, thành tích to lớn, ngày 27 tháng 12 năm 2012, Chủ tịch nước quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
.